Competitive Programming - Lập trình thi đấu: Nên hay Không?
Trong tình yêu thì không nên có người thứ ba, nhưng trong Competitive Programming thì đầy: nào là WA, TLE, MLE,... xen vào giữa Accepted (AC) và chúng ta...
Chào anh em! Hôm nay tôi muốn "chém gió" một chút về chủ đề đang làm mưa làm gió trong giới Công nghệ Thông tin (CNTT), đặc biệt là với anh em sinh viên đang quan tâm đến Lập trình thi đấu (Competitive Programming - CP).
Anh em ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) chắc không lạ gì phong trào này rồi nhỉ? Các thầy cô Khoa CNTT1, đặc biệt thầy Nguyễn Mạnh Sơn "huyền thoại" với các môn học kinh điển của anh em khối kỹ thuật PTIT: Tin học cơ sở 2, OOP, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, cực kỳ tâm huyết đẩy thuyền phong trào này luôn. Nhưng mà, cái gì cũng có hai mặt, đúng không? Bỏ công bỏ sức cày cuốc CP thì được gì và mất gì? Liệu có "ngon" như lời đồn?
Bài viết này, tôi sẽ cùng anh em "mổ xẻ" CP từ A đến Z: nó là cái gì, lịch sử thế nào, lợi hại ra sao, có "đá" nhau với mấy con đường khác không? Mục tiêu là để anh em có thêm góc nhìn khác dưới góc nhìn của cá nhân tôi về CP và tự quyết định xem có nên "lao" vào con đường này hay không.
1. "Giải mã" Lập trình thi đấu (CP): Nó là cái giống gì?
1.1. Định nghĩa "chuẩn không cần chỉnh"
Nói đơn giản, CP là một môn "thể thao trí tuệ". Anh em sẽ phải giải các bài toán lập trình từ dễ, trung bình, khó đến siêu khó, siêu xoắn não dưới áp lực thời gian nghẹt thở! Cái cốt lõi không phải chỉ là gõ code cho chạy, mà là dùng kiến thức về cấu trúc dữ liệu và thuật toán để tìm ra lời giải "ngon" nhất, vừa nhanh vừa tiết kiệm bộ nhớ. Nó tập trung vào khả năng giải quyết vấn đề, đòi hỏi não phải logic và phân tích bén như dao cạo.
1.2. Lịch sử hào hùng và những "đấu trường" khốc liệt
CP có lịch sử khá lâu đời rồi anh em ạ.
- "Olympic" của dân IT: Cuộc thi ICPC (International Collegiate Programming Contest) là giải đấu danh giá nhất cho sinh viên, có từ tận năm 1970 ở Mỹ. Ban đầu chỉ là thi cấp trường cho vui, sau đó được Đại học Baylor bảo trợ từ 1989 và trở thành giải quốc tế hoành tráng như bây giờ. Sự phát triển của ICPC cũng cho thấy ngành mình ngày càng "hot" và cần nhiều lập trình viên "khủng".
- Ươm mầm tài năng trẻ: IOI (International Olympiad in Informatics) là sân chơi cho các "bé" cấp 3 đam mê code.
- Sân chơi của "ông lớn": Mấy công ty công nghệ bự như Google (có Google Code Jam - giờ nghỉ rồi), Meta (có Meta Hacker Cup, tiền thân là Facebook Hacker Cup) cũng từng tổ chức giải riêng, thu hút dân tình toàn cầu.
- Việt Nam mình thì sao? Ở Việt Nam, phong trào cũng sôi nổi lắm! Có Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam (OLP) từ 1992. Việt Nam cũng đăng cai ICPC Khu vực Châu Á từ 2006. Hàng năm đều có các vòng ICPC khu vực Bắc-Trung-Nam, rồi ICPC Quốc gia để chọn đội đi thi châu Á. Các cuộc thi do doanh nghiệp hợp tác tổ chức như Da Nang Code League, VNOI Cup cũng góp phần làm phong trào thêm "nhiệt".
1.3. "Lò luyện" trực tuyến: Cày cuốc ở đâu?
Thời đại 4.0 rồi, luyện CP không cần đến lớp đâu, online đầy rẫy:
- Codeforces: Trùm cuối của dân CP "thuần túy". Contest liên tục, có hệ thống rating chia hạng (Div 1, 2, 3), kho bài tập thì mênh mông. Dân C++ rất chuộng trang này.
- TopCoder: Lão làng trong giới, nổi tiếng với vụ "challenge phase" - đi soi lỗi code của đối thủ để kiếm điểm, khá là "thốn".
- LeetCode: Chuyên trị các bài toán phỏng vấn của Big Tech (FAANG các kiểu). Cũng có contest hàng tuần cho anh em thử sức.
- CodeChef: Xuất xứ Ấn Độ, cộng đồng mạnh, có nhiều loại contest với thời gian khác nhau.
- CodePTIT: Niềm tự hào của anh em PTIT. Nền tảng chấm bài tập lập trình online dành riêng cho anh em PTIT với hơn 4000 bài tập và hơn 12 triệu lượt nộp bài tính đến thời điểm tôi viết bài này. Với sự ổn định và giao diện dễ thao tác cũng như sử dụng, nền tảng CodePTIT cũng đã từng được đưa vào sử dụng tại các cuộc thi trong và ngoài Học viện.
- Các nền tảng khác: HackerRank (dễ dùng cho người mới, có cả tuyển dụng), AtCoder (phổ biến ở Nhật), SPOJ, Kattis, Advent of Code (thi vào mùa Giáng sinh),...
Lưu ý: Mỗi nền tảng có mục tiêu khác nhau nha anh em. Muốn thi ICPC, IOI thì cày Codeforces, TopCoder. Muốn qua phỏng vấn Big Tech thì LeetCode là chân ái. Mới bắt đầu thì HackerRank, CodeChef có thể dễ thở hơn. Chọn đúng nền tảng, đúng mục tiêu mà cày, kẻo phí thời gian lại chẳng được gì. Cày LeetCode chưa chắc đủ đô thi ICPC, mà cày thuật toán siêu khó của CP có khi lại thừa thãi cho phỏng vấn thường.
2. Theo CP được gì? Lợi ích không thể chối cãi
Tham gia CP mang lại khá nhiều cái "ngon" đó anh em, nhất là với các anh em sinh viên.
2.1. Não to ra: Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề & tư duy thuật toán
Đây là cái lợi cốt lõi nhất. CP bắt anh em phải phân tích vấn đề phức tạp, xác định yêu cầu, rồi nghĩ ra thuật toán hiệu quả trong thời gian ngắn. Quá trình này rèn luyện tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề bài bản cực tốt. Anh em sẽ thành thạo các cấu trúc dữ liệu (mảng, list, queue, stack, cây, đồ thị...) và thuật toán kinh điển (sắp xếp, tìm kiếm, quy hoạch động, đồ thị...). Đối mặt với bài khó thường xuyên giúp anh em biết cách chia nhỏ vấn đề, một kỹ năng siêu quan trọng khi đi làm thực tế. Khả năng tư duy phản biện cũng lên trình nhờ việc đánh giá, thử nghiệm và phân tích giải pháp.
2.2. "Buff" CV & Chinh phục phỏng vấn
Kinh nghiệm CP là một điểm cộng sáng chói trong CV, nhất là khi apply vào các công ty công nghệ lớn. Nhiều công ty, kể cả FAANG hay các công ty ở Việt Nam, rất hay dùng bài toán kiểu CP trong các bài test và phỏng vấn kỹ thuật để xem não anh em "xoay" nhanh cỡ nào. Luyện CP giúp anh em quen với dạng đề, áp lực thời gian và các chiêu giải quyết vấn đề hay gặp khi phỏng vấn. Một cái CV có nhắc đến thành tích CP, dù nhỏ, cũng giúp anh em dễ qua vòng gửi xe và gây ấn tượng tốt. Khả năng code hiệu quả, tối ưu được rèn từ CP cũng là một điểm cộng to đùng.
Trong cái thời buổi IT cạnh tranh khốc liệt, nhà tuyển dụng cần cách để lọc ứng viên trẻ chưa có kinh nghiệm. Thành tích CP chính là cái "tín hiệu" cho thấy anh em không chỉ có kiến thức nền mà còn có đam mê, logic tốt, kiên trì, học hỏi nhanh – mấy cái mà công ty nào cũng thích ở một kỹ sư tiềm năng. Nên dù có thể đi làm không dùng trực tiếp mấy thuật toán cao siêu đó hàng ngày, việc tham gia CP vẫn giúp anh em nổi bật và tăng cơ hội trúng tuyển.
2.3. Rèn "thần kinh thép" và tốc độ "bàn thờ"
Thi đấu dưới áp lực thời gian kinh hoàng là cách rèn luyện khả năng chịu áp lực và quản lý thời gian siêu hiệu quả. Anh em sẽ học được cách nghĩ nhanh, quyết đoán và code hiệu quả khi thời gian dí sát nút. Nó cũng giúp tăng tốc độ code và đặc biệt là kỹ năng debug (gỡ lỗi), vì tìm lỗi nhanh là yếu tố sống còn trong thi đấu.
2.4. Xây dựng "quan hệ" và săn cơ hội
Tham gia cộng đồng CP, dù online (Codeforces, CodeChef) hay offline (CLB ở trường), giúp anh em kết nối với những người cùng đam mê. Đây là môi trường tốt để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Nhiều cuộc thi CP còn có giải thưởng hấp dẫn: tiền mặt, học bổng, đồ công nghệ, thậm chí là vé thực tập, việc làm thẳng từ nhà tài trợ luôn.
3. Mặt trái của "cuộc chơi": Thách thức và những điều cần cân nhắc
Nghe thì "ngon" đấy, nhưng theo CP cũng có những cái "khó nhằn" và mặt trái cần biết.
3.1. Stress, áp lực và nguy cơ "burnout"
Cạnh tranh gay gắt, thời gian eo hẹp có thể làm anh em stress nặng. Áp lực có thể đến từ chính mình (muốn thành tích cao), từ bạn bè (muốn hơn thua), từ gia đình, thầy cô. Việc thường xuyên ăn "Wrong Answer" (WA), "Time Limit Exceeded" (TLE) có thể làm anh em chán nản, tự ti, thậm chí kiệt sức (burnout).
Vì thế, giữ gìn sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Tìm cách xả stress lành mạnh như tập thể dục, thiền, tâm sự với bạn bè, hoặc đơn giản là dành thời gian cho sở thích khác đi.
Mà nói về stress, dân code tụi mình hay có kiểu lấy hài hước để đối phó lắm. Chia sẻ meme, chuyện cười, tình huống "khó đỡ" khi code hay thi đấu vừa giảm căng thẳng, vừa tạo sự đồng cảm. Mấy lỗi "kinh điển" như tràn số nguyên, dùng memset
sai kiểu, so sánh số thực sai số, quên ép kiểu 1LL
khi dịch bit... đều thành chuyện vui để kể lại, giúp anh em thấy sai sót là chuyện thường và học từ nó. Ngay cả mấy khoảnh khắc "éo le" như nộp nhầm bài, code chạy đúng máy mình mà sai máy chấm, bị đối thủ "challenge" thành công trên TopCoder... cũng thành kỷ niệm vui buồn khó quên.
3.2. Nguy cơ "xa rời thực tế": Chỉ biết giải thuật, quên mất làm phần mềm
Đây là điểm bị chê nhiều nhất. CP đôi khi quá tập trung vào bài toán thuật toán trừu tượng, có tính "mẹo", mà thiếu liên kết với kỹ năng làm phần mềm thực tế. Dự án thật cần nhiều hơn thế: biết dùng framework, thư viện, database, hiểu kiến trúc hệ thống, UI/UX, testing, Git, quy trình Agile/Scrum, làm việc nhóm, giao tiếp, viết tài liệu – mấy cái này CP ít dạy lắm.
Thậm chí, có những thói quen trong CP lại là "bad practice" khi đi làm. Ví dụ, #include <bits/stdc++.h>
tuy gõ nhanh lúc thi, nhưng làm code biên dịch chậm rì và không nên dùng trong dự án lớn. Đặt tên biến ngắn cũn (i, j, x, y), code vội, thiếu comment cũng thế. Trong CP, mục tiêu là tốc độ chạy và bộ nhớ, còn dự án thật thì code dễ đọc, dễ bảo trì, dễ mở rộng thường quan trọng hơn. Có người nói cày CP quá có thể biến anh em thành "máy giải thuật" nhưng thiếu kỹ năng xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh.
4.3. Tranh cãi muôn thuở: CP có thật sự "giá trị" cho sự nghiệp?
Giá trị thực sự của CP vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một phe cho rằng đầu tư quá nhiều vào CP là không cần thiết, thậm chí "vô dụng", vì nó không phản ánh đúng năng lực của một kỹ sư phần mềm giỏi. Họ chê các công ty quá coi trọng thuật toán khi tuyển dụng, bỏ qua kinh nghiệm, kỹ năng mềm. Có người xem CP chỉ là trò "so kè" kỹ năng hay giải trí.
Phe ủng hộ thì nói CP xây nền tảng tư duy giải quyết vấn đề và thuật toán vững chắc. Nó là công cụ hiệu quả để qua phỏng vấn, nhất là ở công ty top. Theo đuổi CP còn thể hiện đam mê, kỷ luật, khả năng học hỏi. Nhiều người thành công khẳng định kinh nghiệm CP đã giúp họ rất nhiều, ít nhất là giai đoạn đầu tìm việc.
4. Không chỉ có CP: Các con đường "lên trình" khác
CP hiệu quả, nhưng không phải duy nhất. Có nhiều cách khác để trở nên "pro", và hiểu rõ từng cách sẽ giúp anh em chọn đúng đường hoặc kết hợp chúng lại.
4.1. Dự án cá nhân (Personal Projects)
- Là gì? Tự nghĩ ý tưởng rồi xây dựng app, tool, web nhỏ cho riêng mình.
- Ưu điểm: Áp dụng lý thuyết vào thực tế, có sản phẩm bỏ vào portfolio. Cơ hội học công nghệ, ngôn ngữ, framework mới. Rèn kỹ năng tự quản lý, lên kế hoạch. Thể hiện sự chủ động, đam mê với nhà tuyển dụng.
- Nhược điểm: Có thể làm không có cấu trúc. Chất lượng code khó được đánh giá. Dễ bị "nhảy dự án", làm nhiều mà chẳng xong cái nào. Ít tập trung tối ưu thuật toán như CP.
- Kỹ năng cốt lõi: Thực hành code, học công nghệ mới, quản lý dự án nhỏ, giải quyết vấn đề thực tế.
- Giá trị CV/Phỏng vấn: Cao, nhất là khi dự án liên quan vị trí ứng tuyển và làm tốt.
4.2. Đóng góp Mã nguồn mở (Open Source Contribution - OSS)
- Là gì? Tham gia đóng góp code, sửa lỗi, viết tài liệu cho các dự án mã nguồn mở.
- Ưu điểm: Kinh nghiệm làm việc với codebase lớn, quy trình chuyên nghiệp (Git, code review). Học hỏi từ người kinh nghiệm, tiếp xúc coding style đa dạng. Xây dựng mạng lưới quan hệ toàn cầu. Nâng uy tín, hồ sơ GitHub (nhà tuyển dụng thích cái này). Thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp.
- Nhược điểm: Khó cho người mới bắt đầu tìm dự án phù hợp. Tốn thời gian ban đầu để tìm hiểu. Không phải lúc nào cũng rèn thuật toán trực tiếp như CP.
- Kỹ năng cốt lõi: Làm việc nhóm, giao tiếp, Git, đọc hiểu/sửa code, tuân thủ quy trình.
- Giá trị CV/Phỏng vấn: Rất cao, đặc biệt với công ty chuộng văn hóa mã nguồn mở.
4.3. Thực tập (Internships)
- Là gì? Làm việc tại công ty một thời gian (vài tháng) để lấy kinh nghiệm thực tế.
- Ưu điểm: Trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp nhất. Áp dụng kiến thức vào dự án thật. Học hỏi trực tiếp từ kỹ sư kinh nghiệm. Mở rộng quan hệ. Có thể dẫn đến cơ hội việc làm chính thức. Kinh nghiệm thực tập được nhà tuyển dụng đánh giá cực cao, đôi khi hơn cả thành tích CP.
- Nhược điểm: Cần có kiến thức nền để được nhận. Chất lượng tùy thuộc công ty, dự án. Có thể làm việc không đúng chuyên môn. Tốn thời gian, ảnh hưởng việc học.
- Kỹ năng cốt lõi: Kỹ năng chuyên môn thực tế, làm việc nhóm, giao tiếp công việc, hiểu quy trình, kỹ năng mềm.
- Giá trị CV/Phỏng vấn: Cực kỳ cao, là bằng chứng tốt nhất về khả năng làm việc.
4.4. Bảng so sánh "nhanh gọn lẹ"
Tiêu chí | Lập trình thi đấu (CP) | Dự án Cá nhân | Mã nguồn mở (OSS) | Thực tập (Internship) |
---|---|---|---|---|
Mô tả ngắn | Giải bài toán thuật toán, cạnh tranh, giới hạn thời gian | Tự xây dựng ứng dụng/công cụ theo ý tưởng cá nhân | Đóng góp code, sửa lỗi, tài liệu cho dự án có sẵn | Làm việc tại công ty để tích lũy kinh nghiệm thực tế |
Ưu điểm chính | Rèn tư duy thuật toán, logic, giải quyết vấn đề nhanh | Thực hành công nghệ mới, xây dựng portfolio, tự do | Kinh nghiệm làm việc nhóm, quy trình chuyên nghiệp, mạng lưới | Kinh nghiệm thực tế nhất, học hỏi từ chuyên gia, cơ hội việc làm |
Nhược điểm chính | Áp lực cao, có thể xa rời thực tế, tốn thời gian | Thiếu cấu trúc, khó đánh giá khách quan, dễ bỏ dở | Khó bắt đầu, không tập trung thuật toán | Cần kiến thức nền, chất lượng không đảm bảo, tốn thời gian |
Kỹ năng cốt lõi | Thuật toán, cấu trúc dữ liệu, tối ưu code, tốc độ | Học công nghệ mới, tự quản lý, hoàn thiện sản phẩm | Git, code review, làm việc nhóm, đọc hiểu code | Kỹ năng chuyên môn thực tế, quy trình, kỹ năng mềm |
Giá trị CV/Phỏng vấn | Cao (đặc biệt coding test, Big Tech) | Cao (thể hiện kỹ năng thực tế, đam mê) | Rất cao (thể hiện kinh nghiệm cộng tác) | Rất cao (bằng chứng năng lực thực tế) |
Mức độ thực tế | Thấp đến Trung bình | Trung bình đến Cao | Cao | Rất cao |
Cam kết thời gian/Độ khó | Cao (để giỏi) / Trung bình (bắt đầu) | Linh hoạt / Thấp (bắt đầu) | Trung bình đến Cao / Trung bình (bắt đầu) | Cao / Trung bình đến Cao (để được nhận) |
Quan trọng: Đừng nghĩ mấy cái này là chọn 1 trong 4. Chúng nó bổ trợ cho nhau cực tốt. Kỹ năng thuật toán từ CP giúp code hiệu quả hơn trong dự án cá nhân hay OSS. Kinh nghiệm từ OSS hay thực tập giúp áp dụng CP vào thực tế tốt hơn. Dự án cá nhân là nơi thử nghiệm thuật toán mới học. Nên chiến lược tốt nhất là kết hợp linh hoạt, tùy mục tiêu và giai đoạn của anh em. Ví dụ: Bắt đầu với CP lấy nền tảng, làm dự án cá nhân nhỏ, rồi tìm cơ hội OSS hoặc thực tập.
5. Kết luận: Chọn đường nào cho "riêng mình"?
Sau một hồi "mổ xẻ", anh em thấy đấy:
CP có cái hay:
- Luyện não: Rèn tư duy giải quyết vấn đề, logic, thuật toán cực tốt.
- Lợi thế tuyển dụng: "Vũ khí" lợi hại qua vòng phỏng vấn, nhất là Big Tech.
- Cộng đồng & Cơ hội: Kết nối, học hỏi, giành giải thưởng.
Nhưng cũng có cái dở:
- Áp lực, stress: Dễ căng thẳng, ảnh hưởng tinh thần.
- Nguy cơ xa rời thực tế: Dễ thiếu kỹ năng làm phần mềm khác nếu không cân bằng.
- Tốn thời gian: Cần đầu tư công sức nghiêm túc mới giỏi được.
Vậy, nên hay không nên theo CP?
Câu trả lời không có đúng hay sai tuyệt đối. Nó phụ thuộc vào mục tiêu, sở thích và hoàn cảnh của mỗi anh em.
- Nếu anh em muốn rèn tư duy thuật toán, chuẩn bị cho phỏng vấn khó, hay đơn giản là thích giải toán đố, thì CP rất đáng để thử.
- Nhưng nhớ rằng: CP không phải là tất cả. Sự nghiệp kỹ sư phần mềm cần nhiều kỹ năng hơn thế. Làm dự án cá nhân, đóng góp mã nguồn mở, và nhất là đi thực tập cực kỳ quan trọng để phát triển toàn diện. Nhà tuyển dụng ngày càng coi trọng năng lực thực tế, làm việc nhóm và văn hóa công ty hơn là chỉ mỗi kỹ năng thuật toán.
Lời khuyên chân thành: Hãy tìm sự cân bằng, cố gắng cân bằng giữa việc luyện CP và các công việc khác. Xác định rõ mục tiêu của mình, phân bổ thời gian hợp lý giữa việc cày thuật toán (qua CP hoặc cách khác) và việc tích lũy kinh nghiệm thực tế, học công nghệ mới, trau dồi kỹ năng mềm. Thích thì cứ thử CP, nhưng đừng để nó thành nỗi ám ảnh duy nhất mà bỏ lỡ cơ hội khác.
Hãy nhớ, hành trình trở thành lập trình viên giỏi là cuộc đua đường dài, cần kiên trì, học hỏi không ngừng và cái nhìn toàn diện anh em nhé!
All rights reserved